Camera của smartphone nói chung đang ngày càng tốt lên theo thời gian và năm 2017 đã chứng kiến một bước nhảy vọt thực sự của chúng. Chưa bao giờ các nhà sản xuất smartphone lại trang bị cho sản phẩm của họ những ống kính tốt đến như vậy.
Giữa rừng smartphone ngoài thị trường, cây bút công nghệ Sean O`Kane của trang The Verge đã thực hiện một cuộc so sánh, đánh giá tỉ mỉ đối với các mẫu smartphone đầu bảng hiện nay để tìm ra thiết bị sở hữu camera "đỉnh" nhất năm 2017.
5 mẫu điện thoại flagship được ông O`Kane chọn cho so găng với nhau là Apple iPhone X, Google Pixel 2 XL, Samsung Galaxy Note 8, HTC U11 và LG V30. Theo cây bút công nghệ này, đây là những mẫu điện thoại đầu bảng sở hữu những camera tối tân nhất hiện nay.
Phương pháp đánh giá của ông O`Kane rất đơn giản. Ông dùng lần lượt từng smartphone chụp cùng một khung cảnh hoặc đối tượng, rồi so sánh các kết quả với nhau để có được kết quả thi tài ở từng hạng mục và chung cuộc.
Chụp thiếu sáng
Một trong những thử thách cam go nhất đối với các camera smartphone là chụp ảnh trong những điều kiện thiếu sáng. Tuy nhiên, những bức ảnh thu được sẽ làm lộ rõ nhất sự khác biệt giữa các camera.
Loạt ảnh đầu tiên này thực sự khiến ông O`Kane và giám đốc sáng tạo James Bareham, người giúp ông chụp và phân loại một số bức ảnh, ngạc nhiên. Camera của HTC U11 thực sự tốt trong điều kiện ánh sáng yếu vì nó không giảm nhiễu ảnh nhiều như camera của các smartphone khác. Điều này đồng nghĩa, các bức ảnh thỉnh thoảng có thể trông bị nhiễu hạt hơn đôi chút. Song, chúng cũng cho thấy điện thoại đã ghi được và giữ lại rất nhiều chi tiết. Hãy chiêm ngưỡng khung kim loại phía dưới cùng của bức ảnh và bạn sẽ thấy không có smartphone nào khác có thể chụp được bức ảnh với nhiều chi tiết được lưu giữ như HTC U11. Hơn thế nữa, hãy nhìn lớp đá phía dưới cửa sổ sáng đèn ở giữa bức ảnh, bạn sẽ thấy phần chi tiết không hiện rõ ở những bức ảnh khác.
Google Pixel 2 XL đã "chộp" được lượng chi tiết kém hơn HTC U11 trong cùng điều kiện thiếu sáng. Ông O`Kane tin, điều này là do chế độ HDR+ của camera Google đã "làm quá". HDR+ của Google giống như phiên bản nâng cấp của chế độ HDR thông thường. Chế độ này sẽ chụp nhiều bức ảnh khi bạn ấn nút chụp và nhanh chóng hòa trộn chúng với nhau. Việc đó thường khá thú vị nhưng ông O`Kane không đánh giá cao kết quả thu được trong cuộc sát hạch của mình.
Trong khi đó, LG V30 tạo ra các bức ảnh vô cùng xám xịt trong điều kiện ánh sáng yếu. Tồi tệ hơn, khung ngắm điện tử trong ứng dụng camera của máy cũng thực sự tối sẫm, dù độ sáng màn hình có cao tới mức nào. Ông O`Kane ví điều này giống như nhắm mắt bấm bừa nút chụp ảnh.
Mặc dù bức ảnh của HTC U11 được đánh giá là tốt nhất, nhưng ông cũng nhận thấy máy đạt được điều này thông qua cách làm tương tự các smartphone khác: phơi sáng quá mức các bức ảnh thực sự tối. Về khía cạnh nào đó, điều này khá ổn vì camera sẽ chụp được bức hình không bị nhiễu quá mức. Nhưng đồng thời, camera sẽ bỏ mất chi tiết ở những phần làm nổi bật trong quá trình này, sự hy sinh mà một số camera smartphone khác không dám đánh đổi.
Khi sang bối cảnh ít thách thức hơn với nhiều ánh sáng hơn dù vẫn được coi là điều kiện thiếu sáng, LG V30 tiếp tục "về bét" với bức ảnh tối sẫm và là nhẵn thái quá. Để phát hiện sự khác biệt giữa các bức ảnh còn lại, ông O`Kane phải xem xét kỹ file ảnh với độ phân giải đầy đủ. Kết quả thẩm tra kỹ càng hé lộ Google Pixel 2 XL tạo ra bức ảnh tốt nhất với nhiều chi tiết trong bóng râm hơn các smartphone khác, ngoại trừ HTC U11. Máy làm điều này mà không cần phải kích sáng những phần sáng nhất của bức ảnh, chẳng hạn như các bóng đèn hay lều trại ở phía sau.
Bức ảnh của iPhone X chiếm vị trí "á quân" hoặc thứ ba tùy thuộc vào việc bạn có dành thiện cảm cho ảnh của HTC U11 hơn không. Camera của máy ghi lại chi tiết khá tốt ở các cây, khu rừng ở phía bên phải, nhưng vẫn đểm mất một số điểm nhấn qua trọng nhất. Nhìn vào phần vỉa hè và bạn sẽ nhận ra một xu hướng khác cũng tồn tại phổ biến ở các smartphone kiểm nghiệm: cách iPhone xử lý ảnh JPEG thường khiến cho mọi thứ có vẻ như đã qua biên tập hội họa.
Điều này không hẳn tồi, nhưng nó đồng nghĩa mẫu điện thoại flagship 2017 của Apple đôi khi gặp rắc rối với các đường thẳng (hãy kiểm tra các đường dây điện kết nối các bóng đèn trong ảnh). Ở các ví dụ sau, bạn sẽ thấy các bức ảnh của iPhone X thường phô diễn ít chi tiết tinh xảo hơn HTC U11 hay Google Pixel 2 XL.
Theo ông O`Kane, loạt ảnh trên là ví dụ cho thấy Google Pixel 2 XL ghi điểm trước các đối thủ, dù đứng cạnh bức ảnh sáng hơn và có màu vàng cam hơn đôi chút của HTC U11. Bức ảnh của Google Pixel 2 XL trông có vẻ trung tính và sắc nét dù được chụp trong một quán bar tối với cây nên đang cháy ở hậu cảnh. Bức ảnh của HTC U11 có thể khiến người xem hài lòng hơn nhờ vẻ tươi sáng tổng thể nhưng không cung cấp cùng mức chi tiết khi ám ánh vàng cam.
Về iPhone X, nhìn chung khi chụp trong các điều kiện ánh sáng yếu, lúc tốt nhất, máy có thể bắt kịp HTC U11 hoặc Google Pixel 2 XL, nhưng rõ ràng thường chỉ xếp thứ hai hoặc thứ ba. Chế độ HDR+ của Google Pixel 2 XL dường như là lợi thế trong thử thách kiểu này, nhưng ông O`Kane rất khó lí giải tại sao HTC U11 lại bắt kịp hoặc đánh bại iPhone X ở những điều kiện như vậy.
NhãnÔng O`Kane không đề cập đến Samsung Galaxy Note 8 nhiều trong loạt thử thách đầu tiên vì máy thường đạt kết quả thấp hay tỏ ra kém hơn iPhone X. Chẳng hạn như trong loạt ảnh trên, hãy ngắm nhìn những chiếc lá phía sau tấm biển chỉ đường màu vàng. Camera của máy rõ ràng đã làm hỏng chúng. Quá trình xử lý ảnh của Galaxy Note 8 có xu hướng làm hoen ố đối tượng, đồng nghĩa với máy không đáng tin trong việc tái tạo các chi tiết tinh tế.
Chụp đủ sáng
Trong điều kiện ánh sáng ban ngày hay đủ sáng, Google Pixel 2 XL chụp được những chi tiết tinh tế nhất, nhưng iPhone X lại ăn điểm nhờ kết quả phơi sáng và màu sắc tuyệt vời nhất.
Cảnh tuyết được đánh giá là khá khó chụp vì các camera có xu hướng giảm sáng chúng và biến màu trắng thành màu xám trung tính. Ảnh của Galaxy Note 8 bị ám xanh, hiện tượng dường như bắt nguồn từ việc máy sử dụng quá nhiều tông màu lạnh trong một bức ảnh. Trong khi đó, LG V30 tỏ ra thua kém tất cả các smartphone còn lại với các chi tiết tái tạo thô ráp và màu sắc như ám bụi. Là một thành viên thuộc dòng smartphone tập trung vào sự sáng tạo của LG, dù được trang bị các ống kính khác biệt cùng một số chế độ điều khiển thủ công nhưng LG V30 vẫn liên tục gây thất vọng trong các thử thách chụp hình.
Trong một bối cảnh có tuyết khác, HTC U11 gây ngạc nhiên khi chật vật ghi lại khung cảnh máy từng chụp rất tốt vào ban đêm ở thử thách đầu tiên. iPhone X tỏ ra vượt trội với khả năng phơi sáng và tái tạo chi tiết tốt hơn, thẻ hiện rõ qua tuyết trên cây và cành cây phía dưới.
Bức ảnh của Google Pixel 2 XL lần này trông hơi sẫm tối. Điều đó, theo ông O`Kane, là do khi không có quá nhiều khác biệt về ánh sáng trong cảnh vật, chế độ HDR+ không có quá nhiều việc phải làm, dẫn đến việc ít phô diễn khả năng "phù phép" của máy hơn. Tuy nhiên, đây vẫn là một bức ảnh sắc nét, là sự khởi đầu tuyệt vời nếu bạn muốn biên tập thứ gì đó như màu sắc hay sự tương phản. Song, ông O`Kane vẫn thích bức ảnh của iPhone X hơn.
Trong điều kiện ánh sáng ngập tràn, chất lượng ảnh chụp của các smartphone gần tương đương nhau. iPhone X và Google Pixel 2 XL ghi lại được cùng lượng chi tiết, trong khi HTC U11 bám đuổi rát sát và Galaxy Note 8 cũng như LG V30 kém hơn một chút.
Sự khác biệt ở đây có lẽ rõ hơn ở sự tái tạo màu sắc. HTC U11 mang tới bức ảnh sống động nhất với bầu trời xanh tuyệt đẹp. Galaxy Note 8 và iPhone X xử lý màu xanh ít chói hơn, trong đó ảnh của Galaxy Note 8 hơi ám xanh còn iPhone hơi thiên về màu đỏ. Google Pixel 2 XL lưu giữ được nhiều chi tiết nhất ở tháp nhà thờ màu trắng sáng mà không làm mất chi tiết trong bóng râm của các tòa nhà.
Đây là một trong những ví dụ điển hình cho việc cảm nhận vẻ đẹp của ảnh phụ thuộc vào gu thẩm mỹ của từng người. Bạn có thể thích ảnh của HTC U11 hay Google Pixel 2 XL hơn, tùy vào việc bạn ấn tượng với điều gì hơn màu sắc tươi sáng hay sự bảo lưu chi tiết tốt hơn.
Theo Tuấn Anh (VietNamNet)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét